GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HUYỆN CHÂU ĐỨC

Cập nhật lúc 23:01:08 06-04-2017 (GMT+7) Lượt xem:1840

Cư sĩ, Người là ai

Sáng nay, đồi Trị Liệu thật mát mẻ, những tia nắng mùa hè chưa khiến cho không khí trở nên ngột ngạt, trái lại càng tăng thêm vẻ tinh khôi mầu nhiệm. Tiếng ve râm ran kéo dài như mở con đường trở về nguồn cội. Sau mùa Phật đản kỷ niệm thật đầy, bây giờ ngồi và nhớ lại vài chuyện hôm trước, lòng vẫn ngập tràn những hạnh phúc và xúc động, cứ như mọi thứ vừa xảy ra chỉ độ nửa giờ trước đó.

 Sáng 16 tháng tư, hầu hết những lễ đài trang trí tượng đức Phật đản sanh đều được hạ xuống cất kỹ vào một nơi nào đó để chờ mùa Phật đản tiếp theo. Một ngày 15 thật đầy các chương trình kỷ niệm đức Từ phụ đản sanh, đêm đó, tôi tự thưởng cho mình bằng cách sẽ không làm gì, chỉ ngồi đốt trầm, thắp nến uống trà và nghỉ ngơi thôi. Đến hơn 9 giờ tôi mới đứng dậy đi thiền hành một vòng. Trời rất mát và vằng vặc ánh trăng, cả ngọn đồi Kim Sơn sáng lên một thứ ánh sáng mát dịu. Bỗng tôi thấy thấp thoáng ngoài sân hình ảnh của một bà lão đang ngồi rất yên. Nhẹ nhàng bước tới gần, thì ra là mệ (Cụ bà) Chuộng, mệ lên chi giờ này? Mệ thấy tôi, vội đứng dậy, chắp tay xá rất cung kính với chiếc lưng đã còng và đôi tay hơi run, nhưng đôi mắt còn sáng lắm. 84 tuổi, nhà mệ cách chùa chừng 500m, vậy mà để trèo lên đến đồi Kim Sơn, mệ phải đi mất hơn 1 giờ. Đây là hành trình mệ đi. Một tay mệ cầm gậy, một tay mệ cầm chiếc ghế nhựa. Cứ đi thong thả, khi nào mệt thì dừng nghỉ, đặt ghế xuống ngồi niệm Phật, ngắm trời trong mây bạc cây xanh, thấy khỏe thì đi tiếp. Vậy mà vài ba hôm, lại thấy mệ có mặt ở Kim Sơn, khi thì lên thăm thầy trụ trì và chư tăng, khi thì thêm hai nải chuối trên tay, khi thì bì thư trong túi để cúng dường những dịp lễ. Sau khi chắp tay chào lại, tôi hỏi sao mệ lên tối vậy? Mệ cười nụ cười đầy minh triết, thưa thầy, mai lễ đài hạ xuống rồi, con thấy tiếc quá nên bây giờ lên ngồi chiêm ngưỡng thêm tí nữa, lễ đài trang nghiêm quá, biết đến sang năm liệu con có cơ hội để nhìn thấy nữa không? Ngồi đây, tự nhiên con nhớ Thầy Thiện Minh ngày xưa gởi thư về nói một câu khiến con rúng động mãi: “Biết đến bao giờ, núi Kim Sơn lại được mang chở một già lam, trong đó sinh trưởng và phân phát cho dân tộc những hương thơm của đạo hoa sen!”. Rồi mệ lại ngồi trầm tư hướng mắt nhìn tôn tượng đản sanh. Cái hình ảnh và câu nói phát xuất từ tấm lòng ấy cứ chấn động đến sâu thẳm tâm hồn tôi, cảm giác mình mắc nợ những ân tình. Tôi thấy, Phật đản được gọi là thành công nếu có rung cảm mạnh mẽ của những con người như vậy, chứ không phải chỉ là được tổ chức rầm rộ, kinh phí lớn lao để mùa lễ đi qua, mọi thứ đều chết theo thời gian, đi vào quên lãng. Phải có một thứ gì y như dòng sông Hương mà Thu Bồn đã cảm nhận: “Con sông dùng dằng con sông không chảy; sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”, thì đó mới là những gì tư tương Phật giáo trong lòng Huế chuyên chở và truyền tải, âm thầm mà sâu lắng lạ kỳ, lay động tận cõi lòng người chân thật. Cư sĩ, người là ai, nếu không là hiện thân của niềm tin bất thối chuyển và trái tim của một vị Bồ tát bước chân vào đời. Chắc phải gần 12 giờ khuya mệ mới về đến nhà, nhưng tôi biết mệ sẽ rất hạnh phúc và không hề thấy mệt mỏi. Có những công trình vĩ đại mà thật âm thầm, được xây dựng và truyền thừa từ những con người đầy trầm lặng.

Sau Phật đản 4 ngày, tôi có việc phải chạy về phố. Trên đường có cây xăng, tôi ghé vào đổ thêm. Tôi đổ bốn chục ngàn. Đang lúc loay hoay lấy tiền ra trả thì nghe tiếng một mệ già vang lên, thưa thầy, cho con xin cúng dường thầy bình xăng hôm nay. Nhìn lên, tôi thấy một người lớn tuổi đang chắp tay xá rất cung kính với nụ cười thật yên. Thoáng ngỡ ngàng, nhưng tôi cũng kịp ý thức hơi thở và chắp tay xá lại. Người bán xăng gởi lại bà lão mười ngàn tiền thừa. Bà nhận và nói, thưa thầy, con xin cúng dường thầy luôn. Tôi chắp tay nhận bằng tất cả sự tri ân và kính trọng. Mệ chạm khẻ vào chiếc áo nhật bình cũ màu của tôi và nói tiếp, ‘thưa thầy, cho con xin chiếc áo của thầy’… Nói chừng đó thì mệ dừng lại lấy hơi khiến tôi thoáng băn khoăn không hiểu gì, rồi mệ nói tiếp, ‘đừng bao giờ dính bụi’, ‘đi tu là hạnh phúc nhất cuộc đời và con đang phát nguyện để làm cho được, không có sự giàu có nào sánh kịp sự giàu có giáo pháp. Từ ngày gặp Phật từ nhỏ đến bây giờ con đã 93 tuổi, con chưa bao giờ hết vui vẻ an lạc. Hôm nay có thiện duyên gặp thầy, con chỉ xin thưa với thầy chừng đó thôi’. Tôi chắp tay nói lời cảm ơn mà dâng ngập cả cõi lòng niềm xúc động. Mệ chắp tay xá tôi và đi, với chiếc gậy và khoảng lưng hơi còng xuống, thong dong vô sự lạ lùng.

Suốt chặng đường chạy xuống phố, tôi và câu nói của mệ hòa lẫn vào nhau. “Cho con xin chiếc áo của thầy đừng bao giờ dính bụi”. Tôi có cảm giác chính tôi là thầy Nagasamala ngày xưa, khi nghe đức Thế Tôn giảng Đại kinh sư tử hống, thầy đã xúc động đến nỗi lông tóc dựng ngược. Lông tóc tôi cũng dựng ngược mỗi khi nhớ về câu nói đó của một bà lão tưởng chừng như rất xa lạ. Đã gần một tháng trôi qua, cảm giác ấy vẫn tròn đầy trong tôi.

Tôi đã hình dung ra những vị Bồ tát bằng xương bằng thịt, có mặt khắp mọi nơi để đem đến niềm tin cho cuộc đời, để sách tấn mọi người tiến bước trên đường tu học. Sự xuất hiện ngắn ngủi ấy là sự xuất hiện của một tri kỷ, đủ sức mạnh để đưa ta đi suốt cuộc hành trình, đủ sức lay động và thức tỉnh thiên thu. Thành kính tri ân chắp tay kính lạy công hạnh của chư Bồ tát, đã có mặt khắp mọi nơi mà phương tiện độ đời đầy tình thương và hiểu biết, để lời kinh ca ngợi hạnh nguyện Quán Thế Âm của đức Thế Tôn chưa bao giờ trở thành cổ tích:

“Chúng sanh bị khốn ách
Vô lượng khổ bức thân
Trí lực mầu Quan Âm
Cứu đời muôn vạn cách.
 
Trí phương tiện quảng đại
Đầy đủ sức thần thông
Mười phương trong các cõi
Không đâu không hiện thân”.

                                                                                                         N.T

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu