GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HUYỆN CHÂU ĐỨC

Cập nhật lúc 07:40:59 29-06-2017 (GMT+7) Lượt xem:985

Hướng tới Đại hội Phật giáo toàn quốc: Phần 2 - Bối cảnh Phật giáo Việt Nam trước 1975

II:/ Tình hình Phật giáo Việt Nam giai đoạn trước 1954 đến 1975
1. Hội thống nhất Phật giáo Việt Nam
Năm 1954, đất nước bị tạm chia cắt bởi  hiệp định đình chiến Genever.  Để tiếp tục sự nghiệp đoàn kết, đào tạo Tăng tài, truyền bá chánh pháp, nhất là góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc. Tháng 3 năm 1958, tại phía Bắc đã hình thành nên tổ chức Phật giáo với tên gọi “Hội thống nhất Phật giáo Việt Nam”. Hòa thượng Thích Trí Độ được suy tôn làm Hội trưởng, trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ - Hà Nội.

Sau khi đất nước bị chia cắt, phía Bắc có Hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam, phía Nam đang tồn tại Giáo hội Tăng già toàn quốc. Nhưng lúc này, tại phía Nam đã xuất hiện nhiều Giáo hội hoạt động không nằm trong quỹ đạo của Giáo hội Tăng già toàn quốc, điều này chứng tỏ một sự thống nhất chưa trọn vẹn tại phía Nam, gồm có các Giáo hội: Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, Giáo hội Lục hòa Phật tử (sau này hai Giáo hội Lục hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử hợp nhất lại thành Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam, Tịnh độ Tông Việt Nam, Giáo hội Thiền – Tịnh Đạo tràng …

2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
Mọi người dân nghĩ rằng Hiệp định đình chiến Genever chỉ tạm thời chia cắt đất nước, nhưng ngay sau đó đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm trở mặt không thi hành hiệp định bằng một cuộc trưng cầu dân ý thống nhất đất nước, Ngô Đình Diệm đã tổ chức trưng cầu dân ý, truất phế Bảo Đại để lên nắm chính quyền tại Miền Nam dưới sự hậu thuẩn của đế quốc Mỹ.

Sau khi lên chấp chính, Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách kỳ thị tôn giáo, nâng cao một tôn giáo để làm hậu thuẩn, làm công cụ đắc lực cho chế độ tay sai. chế độ Ngô Đình Diệm tiếp tục áp dụng sắc luật ngày 21/03/1963 và Đạo dụ số 10 ngày 06/08/1950 dưới thời thực dân Pháp. Đây là những sắc luật, đạo cụ có tính chất chèn ép Phật giáo. chính sách kỳ thị tôn giáo được Ngô Đình Diệm thực hiện triệt để nhất vào năm 1963. Ngày 06/05/1963, nhằm ngày Phật Đản PL. 2507, chính quyền Ngô đình Diệm ra lệnh triệt để hạ cờ Phật giáo. Chính công điện 9155 đã mở màn cho việc đàn áp đẩm máu và Phật giáo buộc phải vùng lên đấu tranh để tự bảo vệ và đòi bình đẳng tôn giáo.

Trước tình hình khẩn cấp về việc Tăng Ni, tín đồ bị bắt bớ, khủng bố , vv.. ngày 25/05/1963 lãnh đạo của 13 Giáo hội, Hội đoàn và một số Phật tử họp tại chùa Xá Lợi thành lập Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo để lãnh đạo phong trào đấu tranh của Phật giáo Miền Nam.

Ngày 01/11/1963 chế độ Ngô Đình Diệm cáo chung. Phật giáo tiếp tục bước sang trang sử mới. Từ ngày 31.12.1963 đến 04.1.1964, 11 tập đoàn trong tổng số 13 tập đoàn Phật giáo họp tại chùa Xá Lợi và một Giáo hội mới “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất” chính thức được thành lập. Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết được suy tôn làm Tăng thống, thượng tọa Thích Tâm Châu được bầu làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo.
Đây là một tổ chức Giáo hội có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nhưng đã bộc lộ nhiều hạn chế.
 
a. Thứ nhứt, sự thống nhất chưa trọn vẹn vì còn có nhiều tổ chức Phật giáo không tham gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất như: Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam, Giáo hội thiền Tịnh Đạo Tràng, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Cổ Sơn Môn Việt Nam v.v…
b. Thứ hai, Giáo hội Phật giáo việt Nam Thống Nhất đã sớm phân hóa, chia thành hai tổ chức Phật giáo cùng tồn tại và hoạt động theo hai hệ thống tổ chức, hai bản Hiến chương khác nhau, được gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Ấn Quang và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Việt Nam Quốc Tự. Cả hai  tổ chức này đều được chế độ Sài Gòn công nhận tư cách pháp nhân hoạt động: Tổ chức Phật giáo ấn Quang được phép hoạt động theo sắc luật số 005/66/ ngày 26/02/1966, tổ chức Phật giáo Việt Nam Quốc tự được phép hoạt động sắc luật số 023/67 ngày 18/07/1967. Đây là hình thức lũng đoạn nội bộ Phật giáo của chế độ Sài gòn.

 
Điều đặc biệt là trong phong trào đấu tranh của Phật giáo đồ phía Nam đã cho thấy sự thâm độc của chế độ Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ, chúng đã lợi dụng và mua chuộc một vài các nhân thoái hóa, biến chất trong Phật giáo, ngày 12/01/1963 chúng đã dựng lên cái gọi là “Giáo hội Phật giáo Cổ Sơn Môn Việt Nam” để chống lại phong trào đấu tranh đòi bình đẳng Tôn giáo và bảo vệ đạo pháp của toàn thể Phật giáo đồ Miền Nam.
Ban biên tập
Nguồn: Phatgiaobariavungtau.org.vn
 

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu