GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HUYỆN CHÂU ĐỨC

Cập nhật lúc 06:08:33 14-07-2017 (GMT+7) Lượt xem:1896

Nói lời ái ngữ và lời nịnh hót làm xiêu lòng người

Một lời khen ngợi thật lòng luôn giúp cho người ta càng ngày càng sống tốt hơn. Ngược lại một lời nói nịnh hót để lấy lòng cấp trên vô tình làm cho người đó luôn sống trong gian dối để gạt người. Ta hãy nên nói thật lòng bằng một lời khen ngợi đúng cách, giúp cho người đó vui vẻ mà sống tốt hơn. Lời nói thật lòng cao quý bao nhiêu thì lời nói nịnh hót thấp hèn bấy nhiêu. Người có trí tuệ là người không bị lầm lẫn, không bị mê hoặc, vì những lời nói ngọt ngào, đầu môi chót lưỡi, không bị bực bội vì những lời nói thẳng thắn trực tính.

Chim khôn hót tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng, dịu dàng dễ nghe
Ái ngữ chính là lời nói dịu dàng, êm ái ngọt ngào, dễ nghe dễ thương, phát xuất từ lòng từ tấm lòng rộng mở, phát xuất từ tâm thanh tịnh trong sáng, phát xuất từ tâm biết lắng nghe của Bồ Tát Quán Thế Âm để sẵn sàng chia vui sớt khổ. Ái ngữ là lời nói chân thật phát xuất từ đáy lòng nên không phải là lời nói đầu môi chót lưỡi để lợi dụng người khác, không phải là lời nói hoa mỹ để làm dịu lòng người, không phải là lời nói tâng bốc khách sáo để làm cho đối phương thích mà hàm chứa dụng ý bên trong. Lời nói ái ngữ có tác dụng đem lại an vui, bình yên thanh thản cho người nghe. Lời nói ái ngữ có tác dụng an ủi vỗ về giúp cho người nóng giận giảm bớt sự sôi sục âm ỉ bên trong hay chuyển hóa được phiền muộn khổ đau và lo lắng sợ hãi. 

Do đó, khi lời nói được thốt ra có khi tạo được cảm tình tốt đẹp, cũng có khi gây nên ác cảm, oán thù giữa con người với nhau. Ta chỉ cần sơ ý lỡ một lời nói, có khi hỏng cả việc lớn. Chỉ cần ta lỡ một lời nói, thì tai nạn ùn ùn kéo đến chỉ vì người nghe hiểu lầm, cho nên tìm cách hãm hại ta. Chính vì vậy chúng ta phải cẩn thận trong lời nói bởi vì con người thích được khen ngợi tâng bốc nhiều hơn là bị chê bai. Tai họa xảy đến, thường do lời nói mà gây nên tác hại. Chúng ta biết rằng, ngoài danh và lợi trên thế gian này, con người thường hay, tranh chấp với nhau, chỉ vì lời nói. 

Hai người nói chuyện với nhau một lúc dù là thân thương như vợ chồng, nếu không nhường nhịn nhau, không biết nhượng bộ nhau, chắc chắn sẽ đưa đến tranh chấp cãi vã lời qua tiếng lại cuối cùng giận hờn nhau. Có người chuyên sống hay nịnh hót tâng bốc người khác nhằm hưởng lợi cho riêng mình. Thường lời nịnh hót được phát xuất ra từ kẻ dưới quyền, muốn lấy lòng cấp trên hoặc để được người đó tin dùng, nhầm che đậy những thói hư tật xấu của mình. Một lời khen ngợi thật lòng luôn tăng thêm giá trị trong cuộc sống làm cho người cảm nhận được niềm vui để mà sống tốt hơn. Một lời nói nịnh hót nhằm trục lợi cho riêng mình sẽ làm hại nhiều người khác. 

Một lời khen ngợi thật lòng luôn giúp cho người ta càng ngày càng sống tốt hơn. Ngược lại một lời nói nịnh hót để lấy lòng cấp trên vô tình làm cho người đó luôn sống trong gian dối để gạt người. Ta hãy nên nói thật lòng bằng một lời khen ngợi đúng cách, giúp cho người đó vui vẻ mà sống tốt hơn. Lời nói thật lòng cao quý bao nhiêu thì lời nói nịnh hót thấp hèn bấy nhiêu. Người có trí tuệ là người không bị lầm lẫn, không bị mê hoặc, vì những lời nói ngọt ngào, đầu môi chót lưỡi, không bị bực bội vì những lời nói thẳng thắn trực tính. Thường những lời nói đường mật ngọt ngào, chót lưỡi đầu môi, đôi khi dẫn dắt chúng ta đến cạm bẫy không ngờ, đến chỗ tan nát hạnh phúc gia đình, đến chỗ thân tàn ma dại, đến chỗ thân bại danh liệt, đến chỗ tán gia bại sản, đến chỗ tiêu tan sự nghiệp, có khi chết chẳng kịp ngáp, chẳng kịp hiểu tại sao? 
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Những lời nói thật thà ngay thẳng, tuy không được khéo léo làm vui lòng người, nhưng thường giúp đỡ chúng ta tỉnh ngộ, thoát khỏi những cơn mê lầm, không còn vướng vòng si mê tội lỗi. Khi ta thường xuyên biết quay lại chính mình, ta sẽ dễ dàng bình tĩnh thản nhiên trước mọi hoàn cảnh, làm chủ được lời nói, kiểm soát được hành động và chế ngự được tư tưởng của mình. Còn khi tâm loạn động, chúng ta càng nói càng tức giận thêm, càng làm càng sai trái thêm, càng suy nghĩ càng rối trí thêm.

Lời nói ái ngữ khác lời nói thêu dệt là những lời nói sai sự thật hòng để lừa bịp hoặc dụ dỗ người khác để cho người ta ham mà tin theo. Chính vì tâm tham muốn quá đáng mà ta có thể dùng miệng lưỡi ngọt ngào, để làm họ diu lòng mà tin theo ta. Như vậy, chúng ta đồng ý với nhau rằng lời nói rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn lao, trong cuộc sống hằng ngày của tất cả mọi người chúng ta. Nếu người nào cảm thấy cuộc đời nhiều đau khổ, lắm thương đau, không vui vẻ, chẳng bình yên, tức là chính người đó cần phải điều chỉnh lại lời nói, cho vừa dễ nghe, cho vừa dễ thương. Tại sao như vậy? Bởi vì, chính người đó cũng muốn nghe những lời nói dễ nghe dễ thương như vậy. Hoặc là, người đó cần phải điều chỉnh lại âm thanh, cho vừa đủ nghe, để khỏi làm phiền lòng người khác, đang cần sự yên tĩnh, để tâm hồn được thanh tịnh, hay để nghỉ ngơi được thoải mái. 

Tại sao lời nói của ta khó nghe, người đời thường gọi là nói đâm hơi, nói móc họng, cho nên không có ai muốn kết bạn với mình, không có ai dám làm thân với mình, không có ai dám tâm sự với mình. Tại sao như vậy? Bởi vì, sống ở trên đời đâu có ai thích bị người khác chơi, nói móc nói méo đời tư để cho mọi người đều biết. Có những lời nói có thể đem lại an vui, hạnh phúc cho nhiều người. Có những lời nói có thể đem lại sự tan nát hạnh phúc gia đình của người khác. Có những lời nói, làm cho người nghe, cảm thấy vui tươi khỏe khoắn. Có những lời nói khiến cho người nghe, cảm thấy khổ đau phiền muộn bực tức mà dẫn đến mất ăn mất ngủ. 

Lời nói phát xuất từ tâm thanh tịnh trong sáng có thể giúp người cứu vật và cũng có những lời nói có thể hại người một cách dễ dàng vì lòng tham của mình. Như lời nói của một vị luật sư có thể cứu người thoát khỏi tội oan nếu vị ấy có lương tâm đạo đức. Ngược lại họ sẽ rút ruột kẻ bị hại và ăn tiền của kẻ phạm. Do đó làm nghề luật sư phải giữ giới không nói dối hại người thì mới xứng đáng làm nghề luật sư. Một vị bác sĩ khéo léo khuyên nhủ, an ủi động viên, giúp đỡ bệnh nhân yên tâm dưỡng bệnh, chóng qua hiểm nghèo sớm được bình phục. 

Bằng như ngược lại, một lời nói vô ý, có thể làm cho bệnh nhân hoảng loạn sợ hãi, bệnh tình càng thêm trầm trọng. Cũng như lời nói của một nhà ngoại giao, có thể đem lại hòa bình cho hai nước và cũng lời nói đó đem lại chiến tranh hận thù cho nhau. Con người vì sao không ưa thích nhau, mà hay làm mất lòng nhau, chỉ vì không nói lời tế nhị dịu dàng, ngay cả người thân và gia đình không biết kính trên nhường dưới cũng vì chấp trước cho rằng mình đúng người sai.
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Nguồn:phatgiao.org.vn

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu