GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HUYỆN CHÂU ĐỨC

Cập nhật lúc 19:51:44 15-09-2018 (GMT+7) Lượt xem:1861

Chiếc áo tràng màu lam của người cư sĩ phật tử

(PGVN)Nhân đọc bài "Chiếc áo hoại sắc" của tác giả Thích Giác Tuệ Hiếu – một bài viết rất sát tính thời sự và tình trạng biến tướng trong cách mặc trang phục đi chùa của cư sĩ phật tử hiện nay. Người viết có hơi chút thắc mắc không biết tác giả có phải là một vị xuất gia vì tên danh xưng nghe lạ quá, nhưng có chữ Thích đứng đầu thiết nghĩ chắc là một vị xuất gia?

     Có thắc mắc như vậy vì từ thuở bé học đạo cho đến bây giờ chỉ thường nghe pháp danh các vị xuất gia chỉ có ba từ, đứng đầu là Thích. Ngay như tên hiệu của chùa cũng vậy, một vài chùa đã có xuất hiện hàng chữ dài lạ lẫm thay vì Tự - Chùa hay Tổ Đình, tạo ra cảm giác ngơ ngác cho người đọc, nhất là những ai ít khi  tìm hiểu về danh xưng trong Phật giáo. 
    Ảnh chỉ mang tính minh họa                            

Có lẽ, tác giả bài báo này cũng có chung niềm suy tư với người viết về chiếc áo mặc đến chùa của người cư sĩ phật tử và cũng có thể trong việc tu học tại nhà. Đây là quan điểm đúng đắn cần được lưu tâm, nhất là các chùa có sinh hoạt đạo tràng và những khóa tu học dành cho người phật tử cư sĩ. Ở đây, với xu thế và trào lưu hiện đại, thiết nghĩ chúng ta không nên gọi trang phục tu học của cư sĩ phật tử là "chiếc áo hoại sắc" vốn chỉ để xứng đáng dành gọi với các chư vị tu hành nghiêm mật, giới luật tuân thủ triệt để, dù rằng ngày nay trên thực tế tìm và để được nhìn thấy những bộ pháp phục bằng vải po, vải tám hay katê thì hơi bị khó, chỉ toàn là gấm, lụa với hoa văn chìm cao cấp, không ai đụng hàng ai! Vì vậy hãy gọi đúng tên của chiếc áo: Chiếc áo tràng. Thế thôi.
                              
Nói đến trang phục cư sĩ phật tử, trước hết là nói đến chiếc áo tràng màu lam hiền dịu, dễ gần gũi khi đến chùa lễ Phật. Xin lưu ý, chiếc áo tràng chứ không phải chiếc áo choàng như mấy anh bảo vệ chặn ở một cổng chùa lớn nọ lớn lối không cho vào và đã bị lưu ý từ một ngòi bút. Với truyền thống và tính đặc thù của các tông phái khác có quy định riêng về trang phục cho cư sĩ phật tử, bài viết này xin không lạm bàn mà chỉ nói riêng chiếc áo tràng cư sĩ phật tử thuộc hệ phái Bắc tông xưa nay vốn đã quen thuộc trong mắt mọi người, hơn nữa tính thông dụng cũng đã trở thành nét văn hóa truyền thống chung cho PGVN. 
             Ảnh chỉ mang tính minh họa              

Như chúng ta đều biết, chiếc áo tràng lam của cư sĩ phật tử chỉ để dành mặc khi lễ Phật, hành lễ. Giống như chiếc y vàng của chư tăng - ni xuất gia chỉ được khoác lên khi lễ Phật và các cuộc hành lễ tương xứng. Trước đây, đã có một vài tổ chức thanh niên mặc áo tràng lam, đeo băng chéo trước ngực có in hàng chữ về tổ chức của mình, trong sinh hoạt, trong nghi lễ hay các hoạt động khác cũng chỉ mặc như thế, khiến chiếc áo tràng lam trở nên mất hết ý nghĩa vì bị lạm dụng thái quá. May thay họ đã biết lắng nghe và khắc phục kịp thời, trả lại sự nghiêm túc và đẹp sắc màu khói hương cho chiếc áo tràng lam tinh khôi. Bức ảnh dưới đây chụp toàn bộ ban huynh trưởng của một GĐPT lúc làm lễ Phật trong một khóa huấn luyện, họ nghiêm trang trong chiếc áo tràng lam mặc dù được quyền mặc đồng phục khi lễ Phật.
                        
 
  Ảnh chỉ mang tính minh họa                        
 

       Người viết vốn có quán tính quan sát, chú ý đến những diễn biến chung quanh và đã thu vào tầm mắt mình rất nhiều cái đẹp lẫn không đẹp trong sân chùa. Vì vậy trong bài viết này tôi chủ tâm chọn các ảnh có các bạn trẻ trong chiếc áo tràng lam, thay vì các bác lớn tuổi là vì ý tưởng cho một thế hệ trẻ trung của Phật giáo tương lai, đồng thời cũng gợi ý chiếc áo tràng lam vẫn trẻ trung và đáng yêu dường nào với các "hot boy, hot girl".
 
 
   Ảnh chỉ mang tính minh họa                       
 
 
             Ảnh chỉ mang tính minh họa              
 

Như đã thưa, cụm từ "chiếc áo hoại sắc" không nên dùng trong cách gọi các trang phục của cư sĩ phật tử, vì ý nghĩa tự thân của nó quá lớn, hơn nữa sự phân lập giữa xuất gia và cư sĩ phật tử tại gia vẫn có những quy luật riêng biệt, từ hình thức cho đến ý nghĩa thực chất trong tu học. Với giới cư sĩ phật tử, sống và tu học ngay giữa lòng thế gian, những cái gọi là "nhu cầu" cuộc sống vẫn thường hằng có, đặc biệt nữ giới. Đừng quên, trong Tam Giới (Dục, Sắc và Vô sắc) chúng ta đang sống và tu học trong cả hai ý nghĩa trong đó: Dục giới và Sắc giới! 

Chỉ còn lại Vô sắc giới nó hãy còn nằm phía xa lắc kia, mình chưa với tay chạm tới được. Chính vậy cũng đừng quên, dù chúng ta đang tu học dưới bất cứ sắc thái tông môn thiền phái nào – xin nhấn mạnh là đang tu học chứ chưa thành bất cứ quả vị nào – ngay trong cõi này, còn có chúng sinh bên cạnh, còn có những "nhu cầu" khác mà nếu là một "trưởng tử Như Lai" chính hiệu, biết chúng sinh đang cần gì nơi chúng ta, để dìu dắt, hóa và cứu độ họ! Và tất nhiên dạy bảo họ trưởng thành, để trở nên hàng hộ pháp năng động, biết phò trì chánh pháp, để chúng ta vững tu tinh tấn. Buộc lòng phải thưa qua những điều như thế vì nhận thấy một vài nơi, chư tăng quá thờ ơ hoặc xem nhẹ, hay ít nhất cũng có lời nhắc nhở với các phật tử của mình trong cách ăn mặc nghiêm trang khi đến chùa, phải mặc áo tràng đúng nghĩa khi vào chánh điện lễ Phật. 
                   
    Ở đây, trước hết xin được thưa ngay là các cơ sở may mặc trang phục Phật giáo hoàn toàn không có lỗi khi thời gian qua đã không ngừng thiết kế các mẫu trang phục đẹp cho cư sĩ phật tử lựa chọn để mặc. Nếu những sản phẩm thiết kế này chỉ dừng lại ở ý nghĩa thuận tiện đó thì đúng là một nhu cầu thật sự. Nhưng điều đáng nói là nếu để thay thế chiếc áo tràng lam vốn đã danh chính ngôn thuận và mang ý nghĩa nghiêm trang nơi một tầng lớp phật tử, thì cần nên điều chỉnh lại, để không vô tình đặt chiếc áo tràng lam truyền thống gần như bị xem là "cổ hủ" khi gọi các mẫu mã thiết kế mới này là "trang phục lễ chùa, lễ Phật". 
    Ngày trước những bộ áo vạt hò, vạt khách là đồ lót của chư tăng ni mặc trong sinh hoạt thường nhật ở trong chùa (giống như bộ Pyjama đồ ngủ vậy), đồng thời cũng là trang phục cho cư sĩ phật tử mặc  thường nhật ở nhà. Từ cuối thập niên 80, xuất hiện bộ áo "xá xẩu" trong chùa, ngay lập tức đã có ý kiến chỉnh đốn rồi (ảnh bộ áo xá xẩu tái xuất hiện). 
 

Nguy hiểm hơn có thiết kế phá nát chiếc áo tràng lam truyền thống với cách hở ngực, chỉ một dây cột phía dưới thắt lưng, trông ngang tàng quá quắt.
 

Còn có một loại "áo lễ Phật" được xẻ tà áo trước làm đôi, thêu hoa văn sặc sỡ và hở bề ngang nơi ngực bất chấp! 
    Một vài nhà chùa đã cho phật tử mình mặc như thế và chọn đó là đồng phục lễ Phật hay trong lúc lăng xăng dọn thức ăn! Với loại trang phục này luôn ôm sát người mặc, lộ diện cả ba vòng trong thân thể người nữ. Một vài vị Thượng tọa nói với người viết rằng: "Thôi! Đừng phiền, đó là nghiệp của người nữ mà!". Nhưng một vị sư thầy khác nói: "Vậy còn vai trò vị trụ trì chùa nớ ở mô?". Có quá đau lòng chăng khi chọn cho mình những hình ảnh như thế thay cho bộ mặt của bản tự? Câu trả lời này không phải của chúng ta! 
 

Có thể nói, với tình trạng thả lỏng như vậy và việc vô tư chế tác các mẫu trang phục rồi đặt tên là "đi chùa, lễ Phật" và phật tử cứ thản nhiên chọn lựa, không cần có một sự tư vấn nào từ phía các sư thầy  có trách nhiệm, tạo ra một khung cảnh đầy vẻ lắm màu của thế giới sắc giới! Trong bối cảnh không mấy vui như vậy – chúng tôi rất ngại dùng từ hỗn độn này. Chợt nhớ nhiều lần các đạo hữu cho xem  hình ảnh hàng trăm (Trong các khóa tu học ở đây thường cho là đến hàng ngàn người!) phật tử nề nếp, nghiêm trang và đồng loạt trong chiếc áo tràng lam thanh tịnh và thiện cảm ở các khóa tu học của chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn), thật đáng trân trọng biết bao. Trộm nghĩ, nếu chư tăng ở đây  chọn hoặc chế tác ra mẫu trang phục "đi chùa, lễ Phật" riêng cho mình một cõi, như một vài nơi đã làm thì đâu có những hình ảnh hàng trăm hàng ngàn chiếc áo tràng lam đẹp đến rạng ngời như thế  mỗi khi nhắc đến chùa Hoằng Pháp!
               
      Người viết luôn nghĩ rằng, ngày nay người cư sĩ phật tử chúng ta rất có diễm phúc lớn lao là được khoác lên mình chiếc áo tràng lam thanh tịnh là áo hậu của hàng ni giới khả kính. Như được chia sớt  công đức lớn lao từ một hàng đệ tử mà ngày xưa đức Phật và Tôn giả A Nan hằng yêu kính. Chiếc áo tràng lam màu khói hương vì thế đã theo từng bước chân người con Phật đi vào thơ văn, đi vào biết bao ký ức sống đẹp của bao người. Làm sao không khỏi cảm ơn chư Tổ ngàn xưa, chư tôn đức đã "thiết kế" cho chúng ta chiếc áo như vậy để mặc mỗi khi đến chùa lễ Phật và cũng để tự hào với  Phật giáo các nước rằng phật tử chúng ta ở Việt Nam mới có được một nét riêng quá đẹp như vậy đó. 
    Đức Dalai Lama và các vị lãnh đạo PG các nước cũng đều có nhận định tương tự. Vậy nên chăng phật tử chúng ta nên phát huy niềm tự hào về nét đẹp của chiếc áo tràng người cư sĩ phật tử, không phải bận lòng với model thích làm đẹp quá trớn của một bộ phận vào chùa còn thích làm đẹp, để đến nỗi người ta phải nhắc lại "Chiếc áo hoại sắc" trong  giới luật Tỳ kheo! Trong khi thực tế cụm từ cao quý và là lời dạy của chư Tổ sư xưa nay xem ra đã không còn khả dụng nữa rồi!
                  
Câu kết của tác giả Thích Giác Tuệ Hiếu trong bài đã dẫn, xin mượn dùng cho đoạn kết bài viết này để nói thay tình trạng không đáng vui hiện nay trong cách ăn mặc của người cư sĩ phật tử và thay vì "chiếc áo hoại sắc", ở đây xin dùng từ "chiếc áo tràng lam": "Hãy để chiếc áo tràng lam trở về đúng với ý nghĩa của nó, coi trọng như tinh hoa của nhà Phật, là bản tâm của đức Như Lai".

Giác Đạo – Dương Kinh Thành
            WWW.http://phatgiao.org.vn/

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu