GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HUYỆN CHÂU ĐỨC

Cập nhật lúc 05:12:20 08-07-2017 (GMT+7) Lượt xem:1637

GS.TS.Thái Kim Lan dạy con theo Phật giáo

Trong cuộc trò chuyện diễn ra sáng nay, 7-7, tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM) TS.Thái Kim Lan đã có những chia sẻ về cách giáo dục con theo văn hóa Việt, kết hợp triết lý Phật giáo, cũng như một số tư tưởng tiến bộ phương Tây.

Đó là khi sinh con đầu lòng, một em bé Việt Nam sinh ra tại Đức được nằm trong nôi tre thuần Việt, được bú mẹ hàng giờ, được ba ôm ấp, được nghe hát ru... và khi lớn lên không chỉ nói giỏi tiếng Việt mà còn nói “đặc sệt” giọng Huế - một điều hiếm thấy trong gia đình người Việt ở nước ngoài.

TS Thái Kim Lan dẫn chứng - như Giáo sư Trần Văn Khê từng nhận xét khi gặp Mai Lan (con gái của cô Kim Lan - PV) đó là “do sự giáo dục của người mẹ ngay từ thuở nhỏ trong một gia đình rất coi trọng văn hóa Việt Nam”.

1dc.jpg
GS.TS Thái Kim Lan giới thiệu về cách nuôi dạy con
của chính mình tại đường sách sáng nay, 7-7 - Ảnh: N.Danh

TS Kim Lan cho biết trong suốt hành trình xa nhà “Vẻ đẹp cao thượng của người phụ nữ Việt Nam theo nề nếp gia đình vẫn thường chiếu sáng tâm hồn tôi trong những ngày trên đất lạ - nhớ nhà là nhớ nồi cơm của mẹ, mặc dù trong gia đình, tôi nổi tiếng là đứa hay phản kháng, nhăn nhó với mẹ; nhớ đức kiên nhẫn chịu thương chịu khó của mẹ, của bà qua bao thế hệ và song song với vẻ đẹp ấy, tri thức tôi có được từ gia tài tư tưởng Tây phương, những tiến bộ của khoa học trong thời gian học và dạy, trong đó vấn đề bình đẳng nam nữ trên phương diện tư tưởng đã gặp khái niệm khai sáng của triết lý Phật giáo”.

Bên cạnh những điều ấy, sự tìm tòi nghiên cứu và thực hành đạo Phật đã cho cô Kim Lan “nhiều tự tin và hành thâm ý nghĩa tình thương”. Trong khoảng thời gian chuẩn bị sinh con, cô vẫn đi dạy môn Triết học so sánh và hướng dẫn các khóa học Thiền cho sinh viên Đức đều đặn, miệt mài cho đến tận ngày sinh.

Có lẽ nhờ vậy, “con tôi “thương Phật” trong tự tính bẩm sinh của nó mà tôi không cần khổ công uốn nắn hay răn dạy, phần nào cũng do trong thời gian mang thai, tôi đã dạy về Phật học và thiền không ngừng nghỉ” - cô Kim Lan chia sẻ.

Và khi con chào đời, ngoài “phát triển tình thương thật cho hòa bình ở nội tâm đứa trẻ”, thì phải luôn có những truyền thông qua lời nói, cử chỉ, ngôn ngữ, cách sống hằng ngày. “Ba yếu tố ngôn ngữ, diện mạo, thể xác cũng như môi trường xã hội cần hòa quyện với nhau, và người mẹ trong mỗi tình huống có thể ý thức rõ sự hòa điệu là điều thật quan trọng cho sự khôn lớn của đứa con”.

Trong buổi trò chuyện, cô chia sẻ để giáo dục con quan trọng là “cần có sự rung cảm với đứa con, cần có trí tuệ của thế giới, cần hiểu biết về thế giới ngày hôm nay thì chúng ta sẽ biết được nuôi con như thế nào”.

 

Tác giả, tác phẩm

GS.TS Thái Kim Lan sinh ra và lớn lên tại Huế, năm 1965 sang Đức du học, trở thành giảng viên môn triết học đối chiếu tại Đại học Tổng hợp Ludwig - Maximilian, Munich, Đức. Từ năm 1994, bà còn giảng dạy tại TP.HCM và Huế. Là người đồng sáng lập Tổ chức Hữu nghị Đức - Việt thứ 2.

Năm 2005, bà được trao giải thưởng Đào Tấn dành cho những đóng góp khôi phục bộ môn nghệ thuật tuồng, đem văn hóa của Việt Nam ra thế giới.

Ngoài các ấn phẩm về triết học, bà còn viết sách, sáng tác thơ và dịch một số tác phẩm của các nhà văn và nhà thơ Đức sang tiếng Việt. Một số bài thơ trong tập thơ song ngữ “Lạnh hơn xứ mình” của bà đã giành được giải thưởng cả ở Đức và Việt Nam.

2dc.jpg
Sách Thư gửi con của TS.Thái Kim Lan 
và Màu của nước của nhà văn Mỹ James McBride - Ảnh: N.Danh

Cuốn sách Thư gửi con, tập hợp những lá thư và tùy bút (bằng tiếng Đức và tiếng Việt) mà GS.TS.Thái Kim Lan dành cho con gái Mai Lan. Đó là câu chuyện truyền thông mà một người mẹ rất hiểu về thai giáo và Phật pháp đã áp dụng để nuôi con khôn lớn.

Trong buổi giao lưu, Nhà xuất bản Phụ Nữ cũng giới thiệu tự truyện Màu của nước do nhà văn Mỹ James McBride viết để tưởng nhớ người mẹ của mình - một phụ nữ gốc Do Thái da trắng kết hôn với người đàn ông da đen. Vượt lên bi kịch cá nhân, sự thiếu thốn về vật chất, sự ngược đãi về tinh thần và mọi sự phân biệt đối xử, bà đã nuôi dạy mười hai đứa con trở thành các bác sĩ, giáo sư, giáo viên, nhà khoa học.

 

Nhã An
Nguồn:giacngo.vn

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu