GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HUYỆN CHÂU ĐỨC

Cập nhật lúc 22:56:11 06-04-2017 (GMT+7) Lượt xem:2430

Về nguồn

GN – Trong một bài viết của HT.Thích Chơn Thiện, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, khi đề cập việc chấn hưng tinh thần dân tộc và trách nhiệm của Phật giáo trước các vấn đề khủng hoảng của xã hội, Hòa thượng đã không nói “hướng tới tương lai” mà đặt vấn đề “về nguồn”.

hoasen.jpg

 

Về nguồn chính là trở về cái tâm nguyên sơ, trong sáng, thanh tịnh, rỗng rang, tuyệt đối – Ảnh minh họa

“Về nguồn”, với Phật giáo là trở về với cái gốc gác, căn bản, nền tảng của mọi hiện tượng, đó chính là tâm. “Tâm dẫn đầu. Tâm làm chủ. Tâm tạo tác”, như Pháp cú, hay “Thế giới chỉ là tâm”, “tất cả đều là tâm” như kinh Lăng-già đã nói. Tạo ác, tạo thiện cũng từ tâm này, nhưng từ nguyên sơ, tâm viên mãn, trong sáng, thanh tịnh, rỗng rang, tuyệt đối. Về nguồn chính là trở về cái tâm nguyên sơ này, Hòa thượng nhấn mạnh.

Đó cũng là hướng đi để tìm kiếm các giải pháp cho việc xây dựng xã hội theo hướng ổn định, tự chủ, tự lực mà Phật giáo phải có phần trách nhiệm.

Trước toàn cầu hóa, hội nhập, kinh tế thị trường… người Việt Nam chúng ta đạt được những tiếp thu tốt đẹp, những tiến bộ lợi lạc nhưng hiển nhiên cũng phải nhận lấy những bất ổn của đời sống cá nhân và xã hội. Vấn đề “về nguồn” cần đặt ra: sự bảo vệ nguồn, bảo vệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tìm sự ổn định, tự chủ, tự lực.

Về nguồn bao gồm việc về với đạo đức với sự hiền thiện của cá nhân gia đình, thôn xóm. Theo với đà phát triển của đất nước, Phật giáo Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn về các lãnh vực: tổ chức, nhân sự, xây dựng cơ sở, văn hóa, giáo dục…

Chỉ nhìn trên mặt nổi, Giáo hội ta có khoảng hơn 17.000 ngôi chùa phần lớn đều được trùng tu, được mở rộng thêm: nhiều ngôi chùa to lớn, đẹp đẽ; một hệ thống cơ sở giáo dục gồm khoảng 28 trường trung cấp, 4 học viện, nhiều lớp cao đẳng, sơ cấp tại các tỉnh thành…Nhưng thử hỏi có bao nhiêu chùa làng được trùng tu, bao nhiêu chùa làng bị hư nát trong chiến tranh được xây dựng lại? Nông thôn, vùng cao, vùng xa, có cuộc sống tốt hơn trước rất nhiều nhưng vẫn chưa ổn định. Nhà nước đang hướng về nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, nâng mức sống của bà con nhưng thành quả như ý cũng còn phải chờ lâu.

Còn Phật giáo chúng ta? Có phải chúng ta chỉ đến với đồng bào nghèo, nhất là nông dân, để cứu trợ khi có thiên tai? Không biết từ bao giờ có câu nói: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”; chùa làng là vốn là căn bản của Phật giáo, với số nông dân chiếm 70% dân số cả nước, thế mà hình ảnh ngôi chùa làng, tiếng chuông thanh thản, đầm ấm, hình ảnh hiền thiện của chư Tăng Ni đang trở nên hiếm hoi ở nông thôn.

Ước chi mỗi làng quê đều có đình, có chùa. Ước chi chùa quê có nhà giữ trẻ ban ngày để người nông dân gởi con nhỏ, yên tâm ra đồng làm việc. Ước chi đám trẻ đầu đời được nhìn thấy bóng dáng hiền thiện của chư Tăng Ni, được nhìn thấy ảnh tượng Đức Phật, được thân quen với mái chùa, tiếng chuông, tiếng mõ!…Về làng cũng chính là về nguồn, về với tâm hồn dân tộc, với an bình, hạnh lạc”… – Đó chính là những ưu tư của HT.Thích Chơn Thiện, một vị giáo phẩm có nhiều trọng trách với Giáo hội ưu tư, khắc khoải và mong ước về đường hướng của Phật giáo, cũng là hướng đi của đất nước trong việc phục hưng nền văn hóa, những khủng hoảng đạo đức đã và đang diễn ra cần một giải pháp căn bản, thiết thực.

                                                                                                                Thích Pháp Hỷ

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu