GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HUYỆN CHÂU ĐỨC

Cập nhật lúc 19:48:04 23-07-2019 (GMT+7) Lượt xem:1168

Tiểu sử cố HT thượng TRỪNG hạ KHÔI

Tiểu sử Cố Hòa Thượng THÍCH TRỪNG KHÔI ; Chứng minh BTS GHPGVN huyện Châu Đức; Nguyên Chánh đại diện GHPGVN huyện Châu Đức (nhiệm kỳ 1993-2000); Nguyên Đại biểu HĐND huyện Châu Đức (nhiệm kỳ 1993-2000)


1
I. Thân thế: 
Cố Hòa Thượng thế danh là Nguyễn Văn Thanh, pháp danh Tâm Võ, tự Trừng Khôi, hiệu Pháp Siêu.
Hòa thượng sinh năm Quý Mùi trong một gia đình thâm tín Tam Bảo. Thân phụ là cụ Nguyễn Ưu, thân mẫu là cụ bà Vương Thị Dương. Nguyên quán tại ấp Phước Tường, thôn Hà Nhai, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
II. Xuất gia: 
Vốn sanh trong gia đình Phật giáo, lại có túc duyên, nên vào độ tuổi thiếu niên Hòa thượng đã tìm thầy học đạo, tìm chùa để tu. Năm Mậu Thân (1968) nhân duyên Phật pháp hội đủ, Hòa thượng theo Tổ sư là Hòa thượng thượng Hồng hạ Ân, xuất gia học đạo, được Tổ truyền thọ Tam Quy Ngũ Giới và ban cho pháp danh là Tâm Võ. 
Sau sáu năm theo Tổ công phu tu học, đến năm Giáp Dần (1974), ngài được Tổ sư cho phép thọ giới Sa-di tại Giới đàn do Ban đại diện Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi tổ chức và hòa thượng thượng Khánh hạ Tín làm đường đầu. Tại giới đàn này, hòa thượng được đắc giới và là thủ khoa đàn sa-di, được bổn sư ban cho pháp tự là Trừng Khôi.
Sau khi thọ giới sa-di, hòa thượng theo hầu bổn sư. Do căn tánh lanh lợi, thâm hiểu Phật pháp rất nhanh, học và viết chữ Nho rất đẹp, nên đến năm Ất Mão (1975), ngài được bổn sư cho phép thọ đại giới tại giới đàn Ấn Quang do Hòa thượng thượng Hành hạ Trụ làm đường đầu.

III. Hành Hóa:
Sau khi đắc giới cụ túc, hòa thượng trở về Quảng Ngãi tu học với Tổ sư tại chùa Phước Lộc cho đến ngày Tổ sư viên tịch. Đến năm 1980, hòa thượng phát nguyện du phương hành hóa và đã dừng chân tại vùng đất bấy giờ là tỉnh Đồng Nai, huyện Châu Thành, xã Giãi Giao C, ấp Đức Hiệp. Tại vùng đất hoang sơ này, hòa thượng đã mãi thổ dựng am tu học và đến năm 1982 thì khai sơn chùa Quảng Ân với ý nghĩa Quảng là cố hương Quảng Ngãi, Ân là húy hiệu của Tổ sư Hồng Ân, như là cách phương tiện lập danh, đạo đời dung thông nhị đế vậy!
Từ khi khai sơn chùa Quảng Ân, dù chỉ mới là ngôi già-lam khiêm tốn, nền gạch tàu, vách ván đơn sơ, và những dãy nhà chúng bằng tranh tre che tạm, nhưng hòa thượng nỗ lực hoằng truyền chánh pháp, khai mở khóa tu Bát quan trai, mở đàn truyền tam quy ngũ giới cho dân chúng khắp vùng. Bấy giờ, do nước nhà mới thống nhất, tình hình tu học và sinh hoạt Phật giáo còn khó khăn, nhưng với bản lĩnh của bậc xuất trần thượng sĩ, Hòa thượng đã đứng mũi chịu sào, làm cố vấn giáo hạnh cho các gia đình phật tử sinh hoạt. Đặc biệt, ngài đã hướng đạo cho nhiều Phật tử phát túc siêu phương lên hàng Thập Thiện và Bồ-tát tại gia. Trong số ấy, đã có nhiều người phát tâm xuất trần, trở thành Tăng Ni hành đạo khắp chốn.
Nhưng hơn hết là ngài đã độ được những đệ tử ấu niên nhập đạo, đồng chơn xuất gia, đến nay đã đủ bốn chúng, tu học và hành đạo khắp nơi trên thế giới.
Năm 1993, Hòa thượng được sự tin tưởng của Tăng Ni Phật tử tỉnh nhà, cung thỉnh ngài vào vị trí Chánh Đại Diện đầu tiên của GHPGVN huyện Châu Đức. Trải qua hai nhiệm kỳ, ngài luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tăng sai, tạo sự hòa hợp tăng đoàn, trưởng dưỡng đạo tâm phật tử, xây dựng ngôi nhà phật pháp hưng long, nhân sinh an lạc.
IV. Viên tịch:
Sau 77 năm trụ thế, 44 hạ lạp, những ngày tháng cuối đời, hòa thượng thị hiện thân có bệnh, rồi an nhiên thị tịch vào hồi 14 giờ 45 phút, ngày 18 tháng 6 năm Kỷ Hợi.
Thật là:
Chim bay không cầm bóng
Nước trôi chẳng giữ màu
Phất phơ vài lá trúc
Như gió thoảng vườn sau.
Một đời người, đến để rồi đi, bởi Cố quận mới là Bảo sở quê nhà, cõi trần gian chỉ là Hóa thành bến đỗ, những dặm trường xuôi ngược bôn ba, bao buồn vui mưa nắng cuộc đời, như một lần để thân tâm thể nghiệm. Trên dặm dài cuộc lữ ngược xuôi, dẫu tháng năm có xóa nhòa bao vết dấu, nhưng đó đây vẫn còn phảng phất bao dấu hài kỷ niệm, những lối mòn đầy quả ngọt hoa thơm được tạc ghi trong hành trạng đời người. Trước phút giây tiễn biệt nghìn trùng, xin cho chúng con được một lần chí thành khể thủ.
Nam-mô Tân Viên Tịch, Từ Lâm Tế Phổ, Thiên Ấn Tông Phong, Phước Lộc Pháp Phái, Khai sơn trụ trì Quảng Ân tự, Huý thượng Tâm hạ Võ, Tự Trừng Khôi, Hiệu Pháp Siêu Giác Linh Hòa thượng.
Môn đồ pháp quyến
 

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu