GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

HUYỆN CHÂU ĐỨC

Cập nhật lúc 06:14:55 22-06-2017 (GMT+7) Lượt xem:921

Hướng tới Đại hội Phật giáo toàn quốc: 1. Bối cảnh Phật giáo Việt Nam trước 1975

Nhằm đón chào Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam toàn quốc lần thứ VIII dự kiến được tổ chức vào tháng 11/2017. BBT website xin chuyển tải đến quý độc giả hệ thống bài viết tổng hợp các kỳ Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam.

Bối cảnh lịch sử và sự hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam
 
I:/ Tình hình Phật giáo Việt Nam giai đoạn trước 1930 đến 1954:
1) Giáo hội Trúc Lâm:
Thiền phái Trúc Lâm được coi là tinh hoa của Phật giáo Việt Nam. Khi hình thành, Thiền phái Trúc Lâm đã dung hợp được 03 Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo đường thành Giáo hội Trúc Lâm, nhưng truyền thừa của các Thiền phái vẫn được duy trì. Căn cứ sử liệu thì đây là Giáo hội đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang “Vào đầu thế kỷ thứ 13, ba Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu chi, Vô Ngôn Thông, Thảo đường dần dần nhập lại thành một do ảnh hưởng lớn lao của vua Trần Nhân Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ. Sự sát nhập  của ba thiền phái trên vào nhau đã đưa tới sự phát triển của Thiền phái Yên Tử thành Giáo hội Trúc Lâm (lúc này vẫn gọi là Thiền phái Trúc Lâm). Tháng 9 năm Quý Sửu (1313), Thiền sư pháp Loa phụng chiếu đến cư trú tại chùa Vĩnh Nghiêm ở Lương Giang, đặt văn phòng của Trung ương Giáo hội tại đó, quy định mọi chức vụ của Tăng Ni trong Giáo hội, kiểm tra Tự viện và làm sổ Tăng tịch. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam Tăng Sĩ có hồ sơ tại Giáo hội Trung ương” (Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử luận tập 1, NXB Văn học – Hà Nội 1994, trang 257, 406).

2) Các hội đoàn trước các thời kỳ thống nhất Phật giáo
Sau khi nhà Trần suy sụp, Phật giáo bắt đầu suy thoái cho đến thế kỷ 17, 18. Đến giai đoạn này, Phật giáo được vực dậy bởi các Thiền sư Hương Hải, Toàn Nhật, Liễu Quán, Chân Nguyên, vv. và một số Thiền sư Trung quốc như Viên Cảnh, Viên Khoan, Nguyên Thiều, Giác Phong, Tử Dung, vv…  nhưng không hưng thịnh như trước. Đến nửa thế kỷ 19, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và Phật giáo bước sang trang sử mới, trang sử của sự suy vi nghiêm trọng về mặt tổ chức Giáo hội các cấp. Những thập niên đầu của thế kỷ 20, do ảnh hưởng phong trào chấn hưng của Phật giáo Quốc tế, các bậc cao tăng bấy giờ như Hòa Thượng Thanh Hanh (Miền Bắc), Hòa Thượng Tuệ Pháp, Hòa Thượng Đắc Ân, Hòa thượng Tâm Tịnh, Hòa Thượng Phước Tuệ (Miền Trung), Hòa Thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Khánh Anh, Hòa hượng Huệ Quang, Hòa thượng Chí Thiền, Hòa thượng Từ Phong, Thượng tọa Thiện Chiếu (Miền Nam) đã vận động và cổ xúy cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Để tạo thanh thế và phát huy thế mạnh của công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam, chư Tôn đức đã lập nên các Hội Đoàn:

a. Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật học: Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật học là tên gọi tắt của Hội Nghiên cứu và bảo tồn Phật giáo Nam Kỳ. Hội này được hoạt động theo giấy phép ngày 26.8.1931do ông J.Krautheimer Thống đốc Nam Kỳ phê duyệt. Trụ sở của Hội đặt tại chùa Linh Sơn (Cầu Muối – Sài Gòn), Hòa thượng Thích Từ Phong làm Hội trưởng, Hòa thượng Thích Khánh Hòa làm Hội phó thứ 1, Trần Nguyên Chấn làm Hội phó thứ 2, Nguyễn Văn Nhơn làm Thư Ký và toàn bộ hội viên gồm 188 người. Cơ quan ngôn luận của Hội là Tạp chí “Từ bi Âm”

b. Liên đoàn Phật học xã: Để cổ xúy cho công cuộc chấn hưng Phật giáo, chư Tôn đức đã tổ chức Liên Đoàn Phật học Xã vào năm 1933. Liên đoàn được tổ chức lưu động, cứ ba tháng di chuyển một lần, lần lượt qua các chùa Long Hòa (Vĩnh Long), Long Phước (Trà Ôn), Viên Giác (Bến Tre). Sau 9 tháng hoạt động, Liên đoàn tan rã vì thiếu kinh phí.

c. Hội Lưỡng Xuyên Phật học: Sau khi liên đoàn Phật học Xã tan rã, Chư Tôn đức như Hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải cùng một số cư sĩ Huỳnh Thái Cửu, Ngô Trọng Tín, Phạm Văn Liêu, Phạm Văn Luông, vv… thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học vào năm 1934. Hội này được hoạt động theo giấy phép ngày 01.03.1934 do Thống đốc Nam Kỳ phê duyệt, trụ sở đặt tại chùa Long Quang làm Đổng lý. Cơ quan ngôn luận của Hội là Tạp chí “Duy tâm Phật học”. Hội khai giảng khóa đào tạo Tăng tài đầu tiên vào ngày 10.4.1935, qui tụ khoảng 30 học Tăng.

d. Hội An Nam Phật học (Miền Trung): Hội An Nam Phật Học là tên gọi tắt của Hội tu học Phật giáo An Nam (Societe d etude et d exercice de la rligion Bouddhique en AnNam). Hội này được thành lập năm 1932, Cư sĩ Lê Đình Thám làm Hội Trưởng. Cơ quan ngôn luận của Hội là Tạp chí “Viên âm”. Hội còn thành lập Phật học viện vào ngày 10/5/1935, nhưng Phật học viện hoạt động không được lâu.

e. Hội Phật giáo Bắc kỳ: Hội Phật giáo Bắc Kỷ do Hòa thượng Trí Hải và Tổng đốc Nguyễn Năng Quốc sáng lập ngày 14.01.1935, trụ sở đặt tên chùa Quán Sứ, gồm 32 thành viên. Cơ quan ngôn luận của Hội là Tạp chí “Đuốc Tuệ”.

f. Hội Phật học Kiêm Tế: Hội Phật học Kiêm Tế  do Thượng Tọa Thiện Chiếu và Hòa thượng Trí Thiền sáng lập năm 1936 tại chùa Tam Bảo, Rạch Giá. Nguyên nhân của sự ra đời Hội Phật học Kiêm Tế là Thượng tọa Thiện Chiếu (thường được gọi là sư Thiện Chiếu) không thỏa lòng với phong trào chấn hưng Phật giáo ở Gia Định – Sài gòn, mới về Rạch Giá khởi xướng phong trào chấn hưng ở khu vực Tây Nam Bộ, để từ đó xây dựng một nền Phật giáo vừa giữ được truyền thống, vừa mang tính hiện đại. Trụ sở của hội đặt tại chùa Tam Bảo – Rạch Giá, Hòa Thượng Trí Thiền làm Chánh đổng Lý. Cơ quan ngôn luận của Hội là Tạp chí “Tiến Hóa”.

g. Hội Phật giáo Cứu quốc: Hội Phật giáo cứu quốc do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, một bậc chân tu yêu nước sáng lập năm 1946. Nguyên nhân thành lập Hội là lúc này thực dân Pháp trở lại xâm lược Miền Nam, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt vì sự an nguy của Tổ quốc đã vận động và kêu gọi Tăng Ni, Phật tử thành lập Hội Phật giáo cứu quốc để toàn quân dân kháng Pháp. Hòa thượng Thích Minh Nguyệt được bầu là Hội trưởng, cơ quan ngôn luận của Hội là “Báo Tinh Tấn”, trụ sở đặt tại chùa Ô Môi, Đồng Tháp Mười.

h. Hội Tăng Ni Chỉnh lý Bắc Việt: Hội Tăng Ni Chủng lý Bắc Việt ra đời nhằm tiếp tục phát huy những thành quả của Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Hội được thành lập ngày 20/8/1949, Hòa thượng Thích Tố Liên được bầu làm Hội trưởng. Đến ngày 09.09.1950 Hội Tăng Ni chủng lý Bắc Việt được đổi tên là “Giáo hội Tăng già Bắc Việt”, Hòa thượng Thích Mật Ứng được suy tôn làm Pháp chủ. Trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ - Hà Nội, cơ quan ngôn luận của Hội là Tạp chí “Phương tiện”.

i. Hội Phật học Nam Việt: Hội Phật học Nam Việt được thành lập ngày 20.08.1949 theo nghị định số 2134 – Cab.DAA của Phủ Thủ Hiến. Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe được bầu làm Hội trưởng, cư sĩ Mai Thọ Truyền làm Tổng Thư ký. Trụ sở đặt tại chùa Khánh Hưng (xóm Hòa Hưng), đến ngày 25.2.1951 trụ sở được dời về chùa Phước Hòa (Bàn Cờ) và Pháp sư Thích Quảng Minh được bầu làm Hội trưởng. Bắt đầu từ năm 1958 trụ sở được dời về  chùa Xá Lợi, cơ quan ngôn luận của Hội là Tạp chí “Từ Quang”.

j. Hội Tăng Già Khất sĩ Việt Nam: Hội Tăng già Khất sĩ do Ngài Minh Đăng Quang, thế danh Nguyễn Thành Đạt sáng lập năm 1940. Đây là một Giáo hội ra đời trong bối cảnh đen tối nhất của lịch sử. Sự ra đời của Giáo Hội Tăng già Khất sĩ đã đáp ứng được một phần nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận dân cư Tây nam Bộ. Với sự cách tân về lễ nghi, về giáo lý nên trong thời gian ngắn đã thu hút được nhiều người tin theo Giáo hội này.

k. Giáo Hội Tăng già Việt Nam: Năm 1951 để góp phần vào phong trào chấn hưng Phật giáo, Chư Tôn đức và cư sĩ Phật giáo Miền Nam tiến hành chuẩn bị tổ chức Đại hội thành lập Giáo hội Tăng già Việt Nam. Đại hội đã suy cử Hòa thượng Thích Đạt Thanh là Hội chủ, Hòa thượng Thích Đạt từ làm Trị sự Trưởng, các Trị sự phó và các ủy viên.

l. Giáo Hội Phật giáo Việt Nam: Khi phong trào chấn hưng Phật giáo đạt đến đỉnh cao, hệ quả tất yếu  là nhiều hội đoàn được thành lập, nhưng một hậu quả tiêu cực được Chư Tôn đức lúc bấy giờ  rất quan tâm đó là sự thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức chưa có. Từ đó, ngày 10.04.1951 một thông điệp hiệu triệu  kêu gọi thống nhất Phật giáo Việt Nam của 3 bậc tôn túc đại diện cho 3 miền gồm Hòa thượng Thích Đạt Thanh đại diện cho Phật giáo miền Nam. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết đại diện cho Phật giáo Miền Trung. Hòa thượng Thích Mật Ứng đại diện cho Phật giáo Miền Bắc được phát đi. Từ ngày 06 – 09.05.1951 tại chùa Từ Đàm – Huế đã diễn ra Đại hội  đại biểu  của 6 tập đoàn (3 tập đoàn Tăng già và 3 tập đoàn cư sĩ của 3 miền), gồm 51 đại biểu tham dự. Đại hội đã đi đến nhất trí việc thống nhất Phật giáo Việt Nam và thành lập tổ chức Giáo hội với tên gọi “Tổng hội Phật giáo Việt Nam”. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết được suy tôn làm Hội chủ. Trụ sở đặt tại chùa Từ Đàm Huế, cơ quan ngôn luận của Tổng hội là Tạp chí “Phật giáo Việt Nam”. Đây được xem là Phật giáo Việt Nam được thống nhất lần thứ 1 trong lịch sự cận đại.

m. Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam: Sự thống nhất các tập đoàn Phật giáo lại thành Tổng hội Phật giáo Việt Nam với mục đích phát triển Phật giáo, nhưng kết quả đạt được không nhiều. Bởi vì, sự thống nhất này chỉ đạt được kết quả về mặt hình thức tổ chức và ý chí, hành động và lãnh đạo không được thực hiện triệt để. Do đó, mỗi hoạt động Phật sự đều mang tính cục bộ địa phương và Sơn môn, tông phái.
Mặc dù, giai đoạn thập niên 50 tình hình đất nước đang trong thời kỳ đen tối nhất, một vài đạo giáo đã bị Pháp lợi dụng, mua chuộc, chống lại cách mạng Việt Nam. Trước bối cảnh đất nước như vậy, Chư Tôn đức nhận thấy cần phải có một Giáo hội Phật giáo duy nhất và thống nhất trọn vẹn để lãnh đạo giới Phật giáo phát huy truyền thống phụng đạo yêu nước. Chư Tôn đức ba miền đất nước đã kêu gọi thống nhất Phật giáo Việt Nam lần thứ 2. Vào ngày 07.09.1952, toàn thể Tăng già Việt Nam đã tổ chức Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ - Hà Nội với sự hiện diện của Đại biểu Tăng già ba miền. Sau 7 ngày làm việc khẩn trương, toàn thể Đại biểu thống nhất thành lập “Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam”. Hòa thượng Thích Tuệ Tạng được suy tôn làm Thượng thủ và một Ban Tổng Trị sự, đứng đầu là Thượng tọa Thích Trí Hải làm Trị sự Trưởng, trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ - Hà Nội. Đây được xem là Phật giáo Việt Nam được thống nhất lần thứ 2 trong lịch sử cận đại. Giáo hội Tăng già toàn quốc ra đời nhằm thiết lập một sự thống nhất trọn vẹn về nhiều phương diện. Về mặt đối ngoại, Giáo hội Tăng già toàn quốc muốn tạo sự quan hệ tốt đẹp với các tổ chức Phật giáo thế giới (World Friendship of Buddhist) mà Phật giáo Việt Nam là một trong những sáng lập viên của tổ chức này. Công cuộc kháng chiến kết thúc, ngày 20.6.1954 hiệp định đình chiến Genever được ký kết, đất nước Việt Nam một lần nữa tạm bị chia cắt hai miền Nam Bắc và Phật giáo Việt Nam cũng nằm trong tình trạng bị chia cắt.

Ngày 10 – 11.9.1959, Đại hội lần 2 của Giáo hội Tăng già toàn quốc được tiến hành tại chùa Ấn Quang. Đại hội kỳ 2 đã suy tôn Hòa thượng Thích Khánh Anh làm Thượng thủ, Thượng tọa Thích Thiện Hòa làm Trị Sự Trưởng.
Ban biên tập Website
Nguồn: phatgiaobariavungtau.org.vn

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu